XtGem Forum catalog
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Thành Phố Không Mặt Người


Phan_8

Mẹ sinh em gái khi tôi 10 tuổi.

Bố bảo mẹ đặt tên em là Dương.

Mẹ lặng lẽ đi khai sinh.

Em gái tôi tên là Dương Cầm!

Tôi dành hết tình yêu của mình vào đứa em gái bé nhỏ. Mẹ lặng lẽ và ít nói. Bố vẫn uống rượu và đòi con ban đêm. Nhưng tôi chấp nhận những điều ấy và mặc kệ. Đối với tôi, điều quan trọng lúc bấy giờ là đang có một sinh linh bé nhỏ cần được tôi yêu thương.

Dương Cầm có làn da mỏng và xanh xao, rất dễ nhìn thấy từng mạch máu dưới làn da mỏng tang ấy. Mẹ nhờ tôi chăm sóc em ban đêm. Mẹ phải trông bố. Tôi hay nằm sát nôi em và ngủ. Chỉ cần có tiếng động là tôi bật dậy. Đôi khi trong lúc mơ màng. Tôi vẫn thấy anh đến bên tôi, khẽ vuốt tóc và dỗ: “Ngủ đi, anh trông Cầm cho”. Nhưng tôi đã thôi không còn dáo dác tìm anh khi thức dậy nữa.

Dường như có một sợi dây vô hình nào đó nối tôi với em gái mình. Em thường ngủ rất ngon và không quấy nếu được nắm ngón tay tôi khi ngủ. Tôi không còn đau đớn với những gì xảy ra trước mắt. Buổi chiều tôi đi học. Khi về nhà tôi lại chạy lên phòng, đùa em và cười. Đôi mắt em đen láy, trong veo.

Tôi và Dương Cầm cứ thế lớn lên.

***

Tiếng chuông điện thoại bàn làm tôi chợt tỉnh giấc. Dương Cầm quấy và đòi sữa. Tôi với đồng hồ. Hơn 1h đêm. Không hiểu ai gọi vào cái giờ này. Tôi mò mẫm xuống bếp lấy nước nóng. Trong người tôi nóng ran và hốt hoảng. Đột nhiên tôi bị đẩy bật vào góc hành lang. Choáng váng. Khi kịp định thần lại thì bố đã lao đến giật ngược tóc tôi ra đằng sau, gằn giọng hỏi: “Con tao đâu?”. Mắt bố đỏ lõi. Tôi òa khóc và hét lên: “Anh Dương chết rồi!”. Bố lập tức tát vào mặt tôi liên tục và quát: “Mẹ cha con lạc loài, con trai tao đâu?”. Tôi vẫn cứ gào khóc: “Anh Dương chết rồi”. Mùi tanh của máu tràn trên mặt tôi. Trong lúc mê man, đau đớn cực độ, tôi nhìn thấy anh đứng lặng im, lúc sau anh gọi tôi: “Vĩ ơi, có muốn gặp anh không?”. Tôi lịm đi.

Mẹ lặng lẽ lau vết thương trên mặt và tra thuốc cho tôi. Tôi nén đau quay sang nhìn em gái mình. Mỉm cười khi thấy em ngồi trong nôi, bàn tay nhỏ xinh vẫy vẫy tôi nói “a a”. Tôi quay lại nhìn mẹ: “Mẹ ơi, em 2 tuổi rồi!”

Mẹ không nói gì, đi thẳng ra phòng khách. Tôi bế em chạy theo. Dì Mai A đã ngồi ở ghế từ bao giờ. Dì hỏi mẹ: “Có cho con Vĩ đi cùng không?”. Mẹ gật đầu, bế Dương Cầm đi gửi.

Dì Mai A dắt tôi theo mẹ. Ngôi nhà nhỏ sực mùi hương. Có một dãy dài người xếp hàng ngồi đợi. Dì kéo tôi ngồi xuống bên cạnh. Một bà béo bắt đầu châm hương và khấn khấn. Mẹ tôi lặng lẽ đưa mâm quà bánh và tiền cho bà. Tôi níu níu tay cô mặc áo tím bên cạnh và hỏi: “Cô ơi sao cô lại ở đây”, cô nhìn tôi, khuôn mặt toàn những vết tròn nâu nâu, giọng cô càu cạu gì đó không nghe rõ. Tôi chẳng kịp hỏi gì, dì cấu tôi một cái đau điếng. Tôi ngồi im nhìn lên chỗ bà béo. Bà lầm rầm. Tự nhiên bụng bà trương to ra, da nhợt nhạt như người chết trôi. Giọng bà lé ré ở cổ họng: “Có bao nhiêu xoài trên đường sao mẹ không mua? Mua bánh quy cho con làm gì”. Tay dì tôi tự nhiên lạnh toát, thôi không nắm tay tôi nữa mà chắp lại khấn liên hồi. Mẹ tôi khóc, tay cũng vái lạy: “Mẹ xin lỗi!”. Bà béo giọng vẫn léo réo: “Mẹ đừng khóc nữa, con cầu tự mẹ nuôi sao nổi, con được sống thế là đủ rồi, người ta phải bắt con lại thôi, mẹ đừng đốt tiền cho con nhiều, đốt quần áo mới cho con.”. Tôi bắt đầu sợ và hiểu điều gì đang xảy ra. Mẹ tôi vẫn khóc và quỳ vật ra chiếu gọi “Con ơi!”. Bà béo vẫn nói liên hồi: “Bố bị vong chú Hồng chết đuối gần nhà mình hành đấy. Đợi em Cầm 7 tuổi thì bố khỏi. Mẹ đi đòi tiền bác Hiếu đi, lần con với Vĩ đi diễn cho bác bác vẫn chưa trả đâu.”. Nỗi sợ hãi tràn lên tận cổ làm tôi ngạt thở. Bà béo tự nhiên liếc nhìn tôi, mắt sáng quắc, con ngươi nhỏ rẹt như mắt rắn. Tôi òa lên giãy giụa, gào khóc đòi về. Dì Mai A vội bế tôi chạy ra ngoài. Mẹ tôi vẫn vật ra chiếu, nước mắt tràn ra như mưa. Tôi cũng khóc. Tiếng khóc òa của trẻ con găm vào từng ngọn cỏ may trên đường, dính đầy vào quần dì tôi. Tôi bị tiếng khóc của chính mình xé toạc tim ra khiến tôi đau đớn. Những ngày sau đó, tôi lên cơn sốt cao từng đêm. Mê man. Sau này khi tỉnh lại, mẹ kể lại cho tôi nghe, đêm nào sốt cao tôi cũng nằm cười khúc khích, nụ cười đẫm mồ hôi.

***

Dương Cầm bị câm bẩm sinh. Cổ họng chỉ phát ra tiếng ú ớ, môi chỉ mấp máy nói “a a”. Tôi không biết phải làm thế nào cho em gọi tôi được một tiếng. Năn nỉ mẹ tìm thầy thuốc chữa bệnh cho em thế nào cũng không được. Tôi thương em vô cùng. Thương mẹ ngày càng hốc hác sau những trận đòn của bố. Mẹ vẫn cam chịu và nhẫn nhục. Dì Mai A thúc mẹ li dị. Mẹ chỉ cười xòa: “Lấy anh lúc anh khỏe mạnh, giờ bệnh tật thế, nỡ lòng bỏ sao được”. Dì tôi vẫn bực tức trút giận lên đầu tôi: “Mẹ mày chỉ đạo đức dởm.”

Khi Dương Cầm biết đi và chạy vững, tôi nhận ra mắt em có vấn đề gì đó về màu sắc. Em chỉ mặc màu trắng, nhất quyết không xỏ tay vào những chiếc váy màu khác. Bao nhiêu váy màu hồng, màu xanh mẹ mua cho em dì phải mang về cho bé Bíp. Bác sĩ cũng chẳng giải thích được. Có lần tôi bắt gặp ông lắc đầu bảo mẹ tôi: “Khổ, sinh ra toàn những đứa con không bình thường”. Tôi chẳng thấy buồn bã gì, thấy em mặc màu trắng rất đẹp.

Tôi là người đầu tiên nhận ra Dương Cầm có năng khiếu piano khi em ngồi nghịch đàn của tôi. Em rất nhạy cảm với những nốt nhạc, bàn tay nhỏ nhắn lướt rất nhanh trên phím đàn. Tôi dạy em nhận biết nốt, dạy em những hợp âm đơn giản, để em có thể chơi đệm cho tôi những bản hòa tấu với Violin. Tôi nhanh chóng tìm lại được sự ấm áp trong lòng. Mắt em long lanh và đôi môi chúm chím mỗi khi tôi đặp tay vào 2 má, thơm em nhẹ nhàng và khen em đàn hay lắm. Mỗi lần như thế, tôi đều thủ thỉ: “Dương Cầm ơi, đến khi nào em được 7 tuổi?”

Mẹ nhắc tôi Dương Cầm hay mộng du. Mẹ vẫn thường nghe thấy tiếng piano ban đêm. Tôi lắc đầu và thấy lạ. Bởi vì ban đêm tôi không hề rời em nửa bước.

Đến một đêm tôi giật mình vì tiếng đập cửa rầm rầm. Tôi quay sang bên cạnh và hoảng hốt không thấy em đâu. Tôi chạy sang phía phòng anh và thấy bố đang phá cửa. Trong phòng tiếng piano vọng ra rõ ràng, đâm thẳng vào tai tôi. Tôi nhìn mẹ, tự hỏi: “Sao Dương Cầm có chìa khóa phòng anh?”. Bố đập cửa nát bét, Dương Cầm ngồi im, nhìn ra không chút sợ hãi. Bố tôi lại hỏi: “Con tao đâu?”. Tôi sợ hãi, nước mắt nhạt nhòa, tim đau thắt. Dương Cầm vẫn ngồi, tay buông thõng trên phím đàn nhìn bố tôi. Bố tôi lao vào. Mẹ và tôi hét lên. Nhưng Dương Cầm vẫn ngồi im. Bố tôi cầm búa đập tan từng mảng cây đàn piano của anh. Tôi quỳ gục xuống góc phòng đau đớn van xin. Em tôi lặng lẽ đứng dậy bỏ đi, chiếc váy trắng mỏng manh bay nhẹ sau mỗi bước chân.

Dỗ Dương Cầm ngủ say. Tôi sang phòng anh dọn dẹp. Bố đập tan cả cửa sổ, kính vương vãi khắp nơi. Tôi vừa quét dọn vừa khóc. Tôi mong em tôi mau được 7 tuổi biết bao. “Anh ơi, sao em khổ thế này”. Nước mắt tôi mặn chát. Những giọt nước mắt của từng đêm sợ hãi, những giọt nước mắt nín nhịn kìm lòng qua những nỗi đau, ngực tôi rung lên từng hồi nức nở. Tôi nghe rõ giọng bố từng câu: “Con tao đâu?”. Tôi chưa kịp ngoảnh lại, những va đập làm tôi ngất đi. Cảm giác da thịt bị kéo lê trên đống thủy tinh cũng không đau bằng câu nói: “Trả con cho tao”. Tôi ngập ngụa giữa máu và nước mắt. Dương Cầm chạy vụt qua, tôi gọi em mãi không thưa.

Tôi tỉnh dậy với những vết xước xót vào tận tim, đầu nặng trịch. Đập vào mắt tôi là quyển lịch bàn được đánh dấu to đùng. Ngày 17/02, tôi tròn 16 tuổi. Không bánh, không hoa, không một lời chúc. Tiếng khóc của mẹ cứ văng vẳng. Tiếng bà ngoại và tiếng dì tôi chửi bới. Tôi lê lết sang phòng anh. Mắt tôi nhòa đi, thịt da lạnh buốt. Đông người lắm, tất cả vây quanh chiếc piano nát vụn, thủy tinh và máu còn vương đầy trên sàn, Dương Cầm nằm dưới đất, mẹ tôi khóc vật bên em, chiếc váy trắng của em loang đầy máu, trên tay em đầy những vết cắt ngang dọc. Tôi cúi xuống nhặt lên chiếc dao lam tôi hay dùng dọc giấy. Tôi hất mẹ sang một bên và ôm chặt em vào lòng. Tim tôi vỡ ra, từng mảng một, từng mảng một.

***

Chiếc dao chỉ có dấu vân tay của tôi và Dương Cầm. Tôi đủ lớn để hiểu được những gì người ta nghĩ về mình. Tôi cũng chẳng lên tiếng thanh minh. Cuối cùng thì cảnh sát gấp hồ sơ lại. Dương Cầm tự tử.

Tôi rửa sạch và nhét chiếc dao vào hộp nhựa nhỏ, đeo lên cổ. Tôi yêu bố, yêu mẹ, yêu anh, yêu em gái mình vô vàn. Tôi ước gì mình có thể yêu họ được nhiều hơn nữa.

***

Tôi tô màu cho những ngày xám xịt bằng cách dậy thật sớm và chạy bộ. Cảm giác thấy mình khỏe khoắn trong bộ đồ thể thao màu hồng phấn cũng đem lại chút gì đó mới mẻ. Ít ra là tôi đã thôi nằm trùm chăn và lặn ngụp thật sâu trong những nỗi đau cứ hiện lên trong từng nốt nhạc. Đôi khi tôi chạy sang phòng mẹ, định ngỏ ý rủ mẹ chạy cùng, nhưng khi thấy bố mẹ vẫn ngủ ngon, tôi nhẹ nhàng đóng cửa lại.

Niềm yêu đời sau mỗi khoảng lặng thật thiết tha. Tôi cứ lang thang và tự thưởng ình những cảm xúc mà không hẳn ai cũng có hay đã từng vượt qua. Tôi hít thở thật căng và chôn sâu mọi thứ trong lòng. Chính những vấp váp trong cuộc sống khiến tôi nhận ra nhiều điều ý nghĩa, vậy thì tại sao tôi phải thù ghét những nỗi đau, những tổn thương làm gì. Tôi vẫn yêu, vẫn sống, sống cho anh, và sống cho Dương Cầm, sống cho bố mẹ, và sống cho chính tôi.

***

Ngày 12/01/2011.

Tôi mua một bó sen trắng, lên xe, và đi. Đặt những cành sen trắng lên mộ anh và Dương Cầm. Tôi để mặc lòng mình trôi dạt theo những cảm xúc trộn lẫn.

Hôm nay, em tôi tròn 7 tuổi!

14. Đồi Mơ

Truyện ngắn của Huỳnh Thị Mẫn Thục

Ngôi nhà ấy trông như một bông hoa trắng khi ẩn khi hiện giữa lớp sương mù bồng bềnh quanh năm bao phủ lấy cao nguyên. Mấy khung cửa sổ tròn lấp lánh ánh sáng dịu dàng của nến tựa hồ những đôi mắt mở to đăm đắm nhìn vào không gian chơi vơi sương khói. Ngồi trầm ngâm nhìn những khúc củi cháy được trong lò sưởi là chủ nhân ngôi nhà, một tay bề ngoài đã cổ quái mà cái nghề lão đang làm cũng thuộc hàng kỳ quặc nhất thế gian: bán giấc mơ.

Nhiều người bảo rằng lão chỉ là một tay lừa đảo chuyên nghiệp. Nhiều người bước vào nhà lão mà lòng đầy nghi hoặc. Nhưng thiên hạ vẫn vung vãi tiền vào đủ trò nhảm nhí, thì có tiếc gì khi mất thêm chút ít để mua một giấc mơ? Dù sao, có một điều phải khẳng định, là chưa có khách hàng nào của lão lên tiếng than phiền cả. Có người còn cho rằng lão không bán giấc mơ, mà bán hạnh phúc.

Lão bán giấc mơ kiểu gì? Theo như lời đồn đại, lão chỉ cần nhìn vào mắt một ai đó là đã có thể biết được những giấc mơ đã mất của họ. Và lão trả về cho họ những giấc mơ ấy, chứa trong một chiếc bình pha lê - sau khi đã thoả thuận giá cả. Khách hàng của lão sau khi ra khỏi nhà bằng cửa sau sẽ được chào đón bởi cả một rừng hoa dại nở hân hoan phủ kín triền đồi. Họ như sắp mọc cánh bay lên trong một không gian thanh khiết mát lạnh tràn ngập mùi hoa dại, cỏ non và mùi lá thông. Giữa chốn thiên đường ấy, họ mở nắp chiếc bình pha lê, và nếu có ai vô tình nhìn vào thì cũng chỉ thấy được một làn khói trắng mỏng manh bay lên. Chỉ có chủ nhân của giấc mơ mới có thể nhìn được từ làn khói ấy giấc mơ đã mất của mình. Thực hư thế nào chẳng ai kiểm chứng được. Nhưng có một nhà tỷ phú kể lại rằng khi ông ngắm “giấc mơ”, ông thấy mình trong bộ dạng của một vị giáo sư khả kính, đạo mạo đứng giảng bài trước hàng trăm sinh viên đang lắng nghe chăm chú, say sưa. Đó đúng là ước mơ của ông, khi ông còn là một học sinh cấp 2. Ông cười sảng khoái “hồi đó mình học giỏi, cứ nghĩ sau này nhất định phải làm giáo sư, tiến sĩ, cứ mơ như vậy. Rồi theo nghề kinh doanh, công việc ngập đầu, cũng quên bẵng đi mất. Vậy mà lão điên ấy biết được mới hay” Còn một chính khách (xin được giấu tên nhé) thì bật cười khi thấy trong đám khói mờ kia cả một núi kẹo đường. Một bí mật ông đã quên mất từ khá lâu rồi. Làm sao có ai biết một người như ông đây khi còn là một đứa trẻ lên chín đã lấy trộm tiền tiết kiệm của bà (mỗi lần một ít thôi, ông khôn lắm cơ) để mua kẹo đường. Và nghĩ khi lớn lên nhất định sẽ làm giàu để có tiền mua kẹo đường ăn đến khi chán thì thôi. Những chuyện đại loại như vậy thì nhiều lắm. Nói chung khách hàng của lão đều hài lòng vì đã có một khoảng thời gian để sống trong giấc mơ của mình, để yêu đời hơn và mình hơn.

Đôi khi lão tặng không giấc mơ cho những người không đủ khả năng mua nó. Nhiều người sau đó bảo rằng nhờ lão mà họ thấy đời còn đáng sống. Họ được nhắc nhở về một ước mơ, có được một chút niềm tin và một chút hạnh phúc nhỏ nhoi để cố gắng vượt qua tình trạng tuyệt vọng. Khi họ trở lại một ngày nào đó, và trả ơn lão hậu hĩ, lão thản nhiên nhận lấy. Mà nếu họ không trở lại cũng chẳng hề gì.

Có đôi khi, lão từ chối khách hàng - những người đã bán đi giấc mơ của mình vì một lý do nào đó. Tiền tài, danh vọng, quyền lực ….. Lão lắc đầu, giấc mơ bị lãng quên còn có hi vọng tìm lại được, chứ nếu đã bị bán mất thì đành chịu, cho dù họ có trả giá cao đến đâu cũng chẳng nhận được gì hơn một cái lắc đầu.

Một điều hẳn nhiên là lão rất giàu, nhờ tiền bán những giấc mơ. Nhưng chẳng ai hình dung ra nổi lão sử dụng tiền vào việc gì. Ngôi nhà thì nhỏ và giản dị, còn lão sống cũng bình thường. Ngọn đồi của lão cũng không cao giá lắm, đất thảo nguyên bạt ngàn mà.

Một điều nữa cũng hẳn nhiên, là lão điên. Hoặc rất điên. Tóc tai dài thậm thượt, lúc nào cũng rối bù, ăn mặc lôi thôi và làm đủ trò khác người. Nhà lão thắp nến suốt ngày, ban đêm lạnh tái người thì lão lại ra phía sau đồi ngồi thổi sáo một mình. Những hôm rảnh, lão đi sang mấy ngọn đồi lân cận xin thông non về trồng. Không thấy lão giao thiệp với ai, cũng chẳng thấy bà con họ hàng đến thăm bao giờ. Thiên hạ lúc rỗi hơi lại xì xầm bàn tán, và đoán phỏng xem khi lão chết đi thì gia tài ấy sẽ vào tay ai?

Khi nàng bước vào, lão đang ngủ gục bên lò sưởi. Lửa đã gần tàn, nến leo lắt cháy. Nghe tiếng động, lão thức giấc, làu bàu “không đọc được chữ à?” Nàng chăm chú quan sát gã đàn ông cổ quái như còn sót lại từ thời tiền sử rồi khẽ hỏi “sao ông đóng cửa tiệm luôn vậy?” Lão gào lên “mặc xác tôi” rồi vùng dậy như muốn tống khứ ngay tức khắc cái kẻ phiền nhiễu – là nàng. Nhưng khi vừa nhìn thấy nàng, lão khựng lại. Có điều gì đó thật thân quen mà lão không thể nhớ ra. Dường như lão đã gặp nàng đâu đó rồi.

“ Ông không bán giấc mơ nữa sao?” Nàng hỏi, vẫn giọng nói trong trẻo thanh thanh. Cả giọng nói này cũng quen lắm. Lão đã bình tĩnh lại, ngồi lặng lẽ một lúc rồi trả lời “không còn gì để bán nữa” Nàng kéo ghế ngồi, cử chỉ tự nhiên như thể đã ngồi đây hàng ngàn lần rồi “Giấc mơ thì làm sao mà hết được?” Giọng lão trở nên chán chường, mệt mỏi “Giấc mơ thì không hết, nhưng giấc mơ của tôi thì hết rồi.” Lão thở dài” Tôi già rồi. Hôm trước, tôi bán nhầm giấc mơ của tôi. Thế là tôi chẳng còn gì cả. Đôi tay lão siết vào nhau, tuyệt vọng “Cô nghĩ xem, tôi còn cần những thứ này làm gì?”

Nàng chợt đưa ra một đề nghị lạ lùng “Tôi giúp ông tìm lại nó nhé. Sau đó, ông sẽ tặng cho tôi một giấc mơ, được chứ?” Lão từ chối ngay “Xưa nay tôi chỉ giúp người khác tìm giấc mơ, chứ có nhờ ai bao giờ. Hơn nữa, nếu đánh mất thì còn hi vọng, chứ …..” Nàng ngắt lời lão, chưa thử làm sao ông biết . Tôi đang được nghỉ phép vài ngày, cho tôi ở lại nhà ông, rồi tôi sẽ giúp ông tìm ra giấc mơ, và ông tặng tôi một - trước khi tôi về lại thành phố.

Rất ngạc nhiên, và bối rối, thế mà lão cũng nhận lời. Dường như không thể từ chối nàng được. Ở người phụ nữ xa lạ mà thân thuộc kia toát ra một sức quyến rũ hiển hiện như một thứ quyền lực bí ẩn khiến lão vừa muốn khám phá, vừa muốn quy phục, lại vừa muốn thoát ra khỏi nó càng sớm càng tốt. Nhưng cuối cùng thì lão thua, và ngôi nhà nhỏ trên đồi đã có một vị khách ở lại - lần đầu tiên, kể từ khi nó được cất lên.

Cuộc sống của lão đang bị xáo trộn. Ban ngày, nàng tắt hết nến và mở rộng cửa sổ. Lão lại làu bàu vì mất đi khung cảnh quen thuộc, nhưng cũng phải đồng ý với nàng rằng không khí buổi sáng làm tươi mới căn nhà. Nàng hay đứng tựa cửa ngắm cảnh, thỉnh thoảng nhìn sang lão tươi cười, nói gì đấy với lão. Lão không thể nghe được gì, vì nụ cười lộng lẫy hơn cả buổi ban mai kia đã hớp mất hồn vía của lão rồi. Khi nàng đứng xoay lưng lại, lão cứ hình dung ra một cành huệ xanh đang vươn nở. Tóc cặp lên, cổ cao trắng ngần, và đôi bàn tay từng ngón dài thanh mảnh. Hình dung đã xinh đẹp, lại thêm cung cách có nét gì đó vừa sang cả, quý phái vừa tự nhiên, duyên dáng. Và hơn nữa, nàng gây cho lão một cảm giác gần gũi, cứ như mỗi sáng thức dậy, lão đều thấy nàng bên cạnh. Trong những ngày này thì đúng là như vậy. Nàng theo lão đi trồng thông non, ngồi nghe lão kể về những chuyến phiêu lưu thời trai trẻ, và cả những câu chuyện cổ tích nàng chưa từng được nghe. Nhưng hình như có một phần nào đó thiếu vắng trong những câu chuyện của lão, lão quên mất chăng? Nnàg không hỏi, cũng tuyệt nhiên không đề cập đến giấc mơ mà mình định mua.

Đang vào mùa xuân, và hoa anh đào nở rộ dưới thung lũng. Lão đưa nàng đi ngắm hoa. Khi đi, nàng có vẻ háo hức như trẻ con, nhưng khi tận mắt nhìn thấy rừng anh đào đang đơm hoa trĩu cành thì nàng bỗng trở nên lặng lẽ. Lão biết, niềm vui của nàng đang lắng xuống, trở nên sâu thẳm hơn, ngọt ngào hơn và cảm giác bình yên đang lan toả nhẹ nhàng trong tâm hồn nàng. Khi nàng lặng nhìn theo những cánh hoa nhuốm hồng nhẹ xoay trong gió, trông nàng cũng dịu dàng và bay bổng như chúng. Lão rụt rè gỡ mấy cánh hoa vương trên tóc nàng. Nàng không nói gì, chỉ mỉm cười.

Buổi tối, lão vẫn ra đồi cỏ ngồi thổi sáo một mình. Nhưng chỉ vài hôm sau, nàng xin đi theo, và lão lại không thể chối từ. Trăng toả sáng trên cao, nàng thôi không cặp tóc, để mái tóc huyền buông dài tựa hồ dòng suối trôi chảy theo bờ vai thon thả mong manh. Bỗng nhiên, tiếng sáo của lão không còn u uẩn buồn bã như trước nữa. Một chút niềm vui len lén chen vào, rồi từ từ dâng tràn mạnh mẽ như thác đổ. Từng chuỗi thanh âm lóng lánh nương theo gió phiêu du khắp thảo nguyên, trôi bồng bềnh cùng sương và mang theo một phần tâm hồn lão xuống đến tận thung lũng nơi hoa đào cũng đang thao thức lắng nghe. Nàng thì thầm “để tôi gọi giấc mơ về cho ông nhé…..” và cất tiếng hát, khẽ khàng đủ để hai người nghe – khúc ca về một người có tâm hồn rộng mở tựa thảo nguyên. Bước chân ngưòi ấy lãng du qua muôn sông ngàn núi, rồi một hôm quay về và thấy lòng xúc động khi nhìn thấy nếp nhà xưa. Nàng hát về những giấc mơ bỏ lại của lũ trẻ trốn ngủ trưa lên đồi cao ngắm mây bay. Bất chợt nàng quay sang lão, như nhiều lần khác nhưng lần này lão đã có thể nhìn vào mắt nàng. Trong đám khói sương lãng đãng che mờ ánh nhìn mơ màng ấy, lão thấy cả một bầu trời sao lấp lánh. Rồi lão thấy nàng bay lên, hái một ngôi sao, và cứ hái nữa, hái mãi cho đến khi đã đầy tay thì nàng rải chúng xuống một hồ nước phẳng lặng giữa khu rừng già. Hoá ra, giấc mơ của nàng là thế. Lão có thể tặng nàng ngay, nhưng lão lại chần chừ vì muốn giữ nàng lại thêm vài ngày nữa. Lão sợ rằng khi đã tìm được giấc mơ, nàng sẽ bỏ đi – như bao nhiêu người khác.

Dù lão không dám đếm thời gian, thì nó vẫn trôi qua – đã đến lúc nàng trở về. Đêm xuống, nàng sắp xếp vài món lặt vặt vào rương rồi nói với lão “tôi rất tiếc đã không giúp được ông” Lão thở dài “Thôi bỏ đi. Tối nay tôi sẽ tặng cô một giấc mơ, để chuyến đi của cô không uổng công”.

Và lão dẫn nàng đi, băng qua ngọn đồi hai người vẫn ngồi bên nhau mỗi tối, băng qua thung lũng hoa đào ngủ say, qua cánh rừng thông gió rì rào thơm mùi nhưa non. Đi mãi, đến khi đôi chân nhỏ nhắn mỏi rã rời, nàng vẫn không hỏi lão xem họ đang đi đâu. May mắn thay, câu trả lời đến ngay sau đó. Sâu trong khu rừng là một hồ nước êm ả trải ra mênh mang, khẽ gợn làm ánh sao phản chiếu trong lòng hồ như cũng sóng sánh. Những dải khói mong manh như tơ thoáng giăng trên nước. Ven hồ, những khóm huệ nước thân vươn dài kiêu hãnh soi bóng xuống mặt gương phẳng lặng, từng chùm hoa tím xanh từ từ mở cánh. Trên cao kia là bầu trời đêm như một bức màn nhung đính đầy những ngôi sao lấp lánh. Lão lấy chiếc bình pha lê đẹp nhất vẫn mang theo từ trước ra, bảo nàng “Tôi múc cho cô một ít nước, cô mang về thành phố, khi nào muốn hái sao thì cứ mang ra, những ngôi sao sẽ rơi xuống đấy cho cô. Gìơ cô cứ ngắm cảnh đi, bình yên quá, phải không? Giấc mơ mà tôi định tặng cô chỉ có thế thôi.

Nàng ngăn lão lại khi lão chuẩn bị nhúng chiếc bình xuống hồ nước “khoan đã. Ông làm những ngôi sao vỡ ra mất. Cứ để chúng yên như thế này đi. Mà làm sao ông có thể tìm được một nơi tuyệt vậy nhỉ?”

“Cô còn nhớ những chuyện phiêu lưu tôi kể cho cô nghe chứ?”

Nàng ậm ừ khe khẽ, và lão chậm rãi tiếp tục câu chuyện.

“ Thời trẻ, tôi đi khắp nơi tìm giấc mơ của mình. Nhưng tôi không tìm thấy. Cho đến lúc đã quá mệt mỏi với việc tìm kiếm, tôi về đây, tạo ra nơi này để cho giấc mơ của tôi, để chờ giấc mơ của tôi. Hoặc để mơ giấc mơ ấy, cũng chẳng hề gì. Rồi cách đây không lâu, tôi bán nhầm nó.”

“Trong giấc mơ ấy, có một người phụ nữ ?”

“Đúng, một người giống như cô. Khi tôi bán nó đi, tôi quên tất cả, dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể hình dung lại được. Chỉ thấy thiếu vắng và hụt hẫng. Lúc cô bước vào nhà tôi, tôi đã hơi ngờ ngợ ….”

“Ông nhận ra từ bao giờ?”

“Khi cô gọi giấc mơ về cho tôi, tôi biết cô chính là thứ quý báu mà tôi đã vô tình vuột mất ấy.”

“Ông có biết vì sao tôi đến tìm ông chứ?”

“Cô muốn mua một giấc mơ, và tôi đã tặng cô rồi đấy tôi.”

Nàng bật cười. Tiếng cười trong trẻo ngân nga làm lão đau lòng. Ngày mai, tạo vật xinh đẹp này sẽ rời bỏ lão. Xét cho cùng, có ai giữ được giấc mơ?

“Mua giấc mơ …. Ái chà, tôi nói ông đừng giận, chứ tôi thấy đây quả là một trò ngu ngốc. Hôm trước một tay đồng nghiệp của tôi cũng bỏ công chạy đến chỗ ông mua về một cái lọ chứa mơ với ước ấy. Anh ta mang về, mở ra cho tôi cùng xem và sau đó thì mất mấy ngày nguyền rủa vì chỉ nhìn thấy một ít khói, chả có gì hơn.”

Lão rầu rĩ “Vậy là hắn mua phải giấc mơ của tôi rồi. Người ta không thể thấy những gì người khác mơ được.”

“Vậy mà tôi thấy. Tôi nhìn ra trong đám khói kia một người phụ nữ trông rất giống tôi. Cô ấy ngồi hát trên đồi, rồi một người nữa đến bên cạnh cô ấy….”

“Là tôi?”

“Đúng vậy. Ông nắm tay cô ấy, hai người cùng đến một nơi, là nơi tôi và ông đang đứng đây này. Và ….”

Gương mặt nàng thoáng ửng hồng. Lão không cần nàng mô tả thêm nữa.

“Tôi phải công nhận là tôi rất tò mò, nhất là với những gì tôi đã nhìn thấy nên cứ hỏi tay đồng nghiệp xem hắn mua cái thứ phải gió kia ở đâu. Rồi tôi đến tìm ông. Phần sau thì ông biết rồi.”

Một giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống khiến đám cỏ non rùng mình. Lão lắc đầu, giọng trầm hẳn xuống

“Tôi đã tìm cả đời không được, thế mà có ngày những gì tôi mong chờ lại đến tìm tôi. Tuy không thể giữ, tôi cũng mãn nguyện rồi. Cô cũng thế, hãy cứ ngắm khung cảnh này đi, để nhớ. Tôi biết cô không ở lại, dù rằng thực sự, tôi sẵn lòng tặng cả giấc mơ này cho cô.”

“Ai bảo ông đây là giấc mơ của tôi?”

“Nhìn vào mắt cô, tôi biết. “

“Ông hãy nhìn vào mắt em một lần nữa xem …”

Trái tim lão như tan ra thành nước khi tiếng “em” êm ái cất lên. Run rẩy, cẩn trọng và đầy thương yêu, lão nhìn vào đôi mắt của giấc mơ, và rồi xiết chặt nàng trong vòng tay mình như thể nếu lão buông ra, nàng sẽ tan biến ngay vào lớp sương trên mặt hồ. Nơi đó, trong ánh nhìn nồng nàn của người đẹp, lão không thấy trăng sao, không thấy hồ nước, cũng chẳng có cánh rừng. Chỉ là gương mặt lão đang nhìn lại lão, mỉm cười ….

Những ngôi sao rơi xuống cõi vô cùng. Bóng đêm khẽ lay động, và những bông hoa tím xanh lặng lẽ toả hương …

15. Dưới chân Phật Quan Âm

Truyện ngắn của Đỗ Thị Thùy Linh (Keng)

Tượng phật quan âm cam lồ đứng trên một gò đất rậm rạp lau lách và phủ lốm đốm sắc tím hoa mua không biết đã được dựng lên từ năm nào bên cạnh núi đá xanh đen. Những phụ cảnh quanh bức tượng trắng xám đặt trên bệ đa giác đỡ đài sen cao ngất ngưởng vẽ nên một không gian gây kinh ngạc giữa chốn hoang sơ. Tượng quay lưng về phía núi, hướng tuệ nhãn xuống dưới con đường quốc lộ cong queo, chập chùng đèo dốc bên miệng vực sâu. Ngay trước mặt tượng, cách vài chục bước chân là một lư hương tròn lớn bằng bê tông cắm ba cây nhang khổng lồ tạo hình đơn giản, trơn tru. Bên phải của tượng có một đền bác giác sụt lở mái ngói nhưng cột kèo còn kiên cố phác thành dấu vết thời gian. Thêm hai gốc thông cổ thụ xòe những cánh tay lá kim tròn trịa cân đối xa xa phía sau lưng tượng như những hộ pháp theo hầu. Ngoài những người dân tộc ở sâu trong rừng, thỉnh thoảng ngang qua để ngược lên thị trấn đổi hàng hóa thì dường như chỉ có gia đình Kim sống trong vòng bán kính năm cây số.

Cha mẹ đưa Kim đến đây năm ba tuổi, ở trong ngôi nhà của người gác rừng. Kim gặp ông đúng một lần, sau khi bàn giao cơ ngơi lại cho người mới đến, ông gói ghém hành trang vào một chiếc ba lô cũ mèm rồi men dọc con đường quốc lộ hướng về phía bắc đi mất dạng. Cha mẹ kể ông đã cao tuổi nên muốn trở về quê với con cái, chứ sống một thân một mình ngã xuống chết lúc nào không ai biết mà lo ma chay. Người già tội vậy đấy!

Trạm gác rừng ở đối diện tượng quan âm qua mặt đường quốc lộ, ngay đúng hướng nước cam lồ vẩy xuống, tạo cho gia đình Kim sự an tâm lớn lao trong tinh thần. Cha phát quang một lối nhỏ lên tượng quan âm. Kim níu tay mẹ bám vào những gờ đất, miệt mài cũng trèo được tới nơi. Một khoảnh nền đá từ chân tượng ra đến lư hương khiến cỏ cây chen vào được trở thành sân chơi thú vị của đứa trẻ lên ba, trong lúc cha mẹ hì hụi phạt bớt lau sậy xung quanh để thể hiện lòng chiêm bái với đấng trí huệ từ bi.

Ở chỗ mới, cha ngày ngày tập cách đặt bẫy để săn thú rừng, mẹ xới đất nhặt cỏ trồng thêm luống rau đợi dịp thay thế những đĩa lá tàu bay, ngọn sam luộc trong bữa ăn đạm bạc. Được một tháng cha lên thị trấn lĩnh món tiền lương còm cõi tiện thể mang về vài gốc chuối và một quả su su đã lên mầm. Mẹ trồng chuối thành một hàng bên vườn rau, cha dựng thêm một cái giàn cho dây su su leo lên. Sau đó ba người nắm tay nhau đứng nhìn thành quả lao động, mơ ngày cây trái lúc lỉu đến thật gần.

Hàng chuối lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc trổ ra những cái bắp tím sậm lấp ló giữa các phiến lá xanh mát mắt. Rồi khi buồng chuối đầu tiên xuất hiện vài trái phớt vàng, cha chặt xuống mang vào đặt giữa nhà rồi cắt ra thành từng nải. Mẹ chọn hai nải đẹp nhất, một đặt lên bàn thờ cho cha thắp nhang cúng cụ, nải còn lại dẫn theo Kim mang lên tượng quan âm. Thấy mẹ nghiêm trang đứng trước tượng quan âm khấn vái, Kim cũng chắp tay bắt chước dáng điệu thành kính nhưng không biết cầu xin điều gì. Từ đó thành lệ, cứ ngày rằm, mùng một mẹ lại mang chuối lên thắp nhang trước tượng phật, đợi qua hôm sau lại lên thỉnh lộc về ăn.

Cuộc sống êm ả, dịu dàng dưới chân phật quan âm cứ thế trôi qua. Lâu lâu cha hoặc mẹ cho Kim đi theo lên thị trấn ăn phở, ăn bún, rồi đi mua gạo hoặc một số nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình. Có lần cả cha mẹ cùng đưa Kim đi, họ đổi một số gà vịt và thỏ để sắm cho Kim bộ váy công chúa bằng ren màu hồng, đính hạt lấp lánh trên cổ. Nhưng Kim lại thích mê bộ váy màu vàng cột dây nơ xinh xắn, thế là cha mẹ mua cho con gái cưng luôn cả hai chiếc váy. Sau đó cha mẹ dắt Kim đến một tiệm chụp ảnh, để lưu lại khoảnh khắc gia đình.

Bác phó nháy lưỡng lự khuyên không nên chụp ba, người ta kiêng ghê lắm. Song cha Kim cười tươi rói bảo bác thợ yên tâm, nhà có tới bốn người lận. Lúc này mẹ mới xoa đầu Kim nựng là sắp lên chức chị. Vậy là mai mốt cha mẹ có đi vắng thì ở nhà Kim đã có em chơi cùng rồi.

Vài tháng sau mẹ sinh ra một em bé. Kim tròn mắt hỏi: “Sao con không có cái vòi phun nước như của em”. Cha mẹ cùng phì cười: “Vì em là con trai mà!”.


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .